TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG MỚI NHẤT

 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỔNG THẾ

(Tải tài liệu cuối trang) 



Ngày 25/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục tiểu học. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị. Gần 4.000 đại biểu là lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, lãnh đạo và cán bộ các Sở/Phòng GDĐT, Hiệu trưởng, giáo viên một số cơ sở giáo dục tiểu học đã cùng dự Hội nghị tại 150 điểm cầu.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị
Tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình mới
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, năm học 2019-2020 toàn quốc có 14.904 cơ sở giáo dục thực hiện CTGDPT thông cấp tiểu học, với 14.545 điểm trường. Các địa phương đã tích cực sắp xếp lại và phát triển mạng lưới, quy mô trường/lớp, tạo thuận lợi cho người dân và đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh. Việc duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn... được địa phương chú trọng thực hiện.
Với sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ, năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày của cả nước đã tăng lên, đạt mức 80,1% (tăng 5,3% so với năm trước); trong đó nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của cả nước năm học 2019-2020 cũng cao hơn so với năm trước, đạt mức 60,1%.
Năm học vừa qua cả nước có 8.756.621 học sinh tiểu học (tăng 276.644 em so với năm học trước) với tổng số lớp là 282.968 (tăng 4.583 lớp so với năm học trước). Tỷ lệ trung bình học sinh/lớp trên cả nước là 31. Các địa phương đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh tại các địa bàn nên đã đáp ứng được điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định.
Với sự quan tâm tích cực của các cấp ngành địa phương, năm học vừa qua đội ngũ giáo viên tiểu học đã được bổ sung 5.000 người, nâng tổng số giáo viên cấp học này lên mức 403.000 thầy cô. Tỷ lệ giáo viên/lớp theo đó đạt 1,41 (năm học trước là 1,38), cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học báo cáo tại Hội nghị
Năm học 2019-2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi học sinh phải nghỉ học dài ngày trong học kỳ II để thực hiện việc phòng chống dịch COVID-19. Với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Bộ GDĐT đã điều chỉnh nội dung dạy học các môn học của học kỳ II, hướng dẫn tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình… Các địa phương, nhà trường đã vận dụng các hình thức dạy học trực tuyến, và chủ động điều chỉnh kế hoạch, nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai CT GDPT 2018, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn, tạo hành lang pháp lý vững vàng và thuận lợi để địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được địa phương chú trọng tăng cường, đến nay cơ bản đã sẵn sàng triển khai đối với lớp 1. Hơn 1.028 cán bộ quản lý và 6.700 tổ trương chuyên môn cốt cán cấp Tiểu học đã được bồi dưỡng ở cấp trung ương. 100% giáo viên đại trà dạy lớp 1 năm học 2020-2021 đã được bồi dưỡng về chương trình, SGK GDPT mới.
Theo báo cáo từ các địa phương, hiện nay SGK lớp 1 của CT GDPT mới đã về đến tất cả các trường Tiểu học, đến tay các phụ huynh, học sinh. Việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học cũng được các tỉnh/thành tích cực triển khai. Đối với lớp 1 tài liệu này sẽ hoàn thành trong tháng 8 này để giáo viên sử dụng trong tổ chức hoạt động trải nghiệm và tích hợp vào dạy các môn học khác theo quy định của chương trình.
 Nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt chương trình lớp 1
Đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ năm học của giáo dục tiểu học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh đến 2 hoạt động nổi bật, đó là công tác pháp chế và triển khai đổi mới chương trình SGK GDPT.
“Có thể nói, năm học 2019-2020 là một năm nổi bật về công tác pháp chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đặc biệt là chuẩn bị thực hiện CT GDPT mới. Đây là lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, chúng ta ban hành được Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. 4 thông tư, 6 hướng dẫn chuyên môn trực tiếp của giáo dục tiểu học đã được ban hành…”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Về việc thực hiện chương trình SGK hiện hành và đổi mới phương pháp dạy học kiểm tra đánh giá, chuẩn bị cho CT GDPT mới, theo Bộ trưởng, đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các khâu từ bồi dưỡng giáo viên; biên soạn, thẩm định, phê duyệt, phát hành SGK cơ bản đã được làm tốt. “Năm học 2020-2021, nhiệm vụ của giáo dục tiểu học là phải thực hiện tốt CT GDPT mới đối với lớp 1”, Bộ trưởng đặt ra yêu cầu.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng giáo dục tiểu học, Bộ trưởng đưa 8 nhóm vấn đề cần làm tốt trong thời gian tới, bao gồm: hành lang pháp lý; thực hiện chương trình SGK, đổi mới giáo dục và kiểm tra đánh giá; công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên; chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học; quản trị nhà trường; trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ và Sở/Phòng GDĐT.
Xác định giáo viên là lực lượng quan trọng quyết định thành công triển khai chương trình mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý các nhà trường, các địa phương cần làm tốt công tác bố trí, sắp xếp giáo viên đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng.
Theo đó, căn cứ lộ trình đổi mới và rà soát thực tế đội ngũ, các Sở GDĐT cần xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ổn định trong 5 năm để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh/thành phố thực hiện. Việc có một đề án dài hơn sẽ giúp địa phương tính toán và giải quyết được căn cơ, khoa học việc thiếu thừa giáo viên, khắc phục tình trạng “ăn đong” như trước đây.
Công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện CT GDPT, cũng như hoạt động bồi dưỡng, nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên tiểu học theo đúng lộ trình và yêu cầu thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 phải được chú trọng thực hiện, đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả và đảm bảo quyền lợi của giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến.
"Dù thế nào cũng phải đảm bảo chỗ học cho học sinh"
Lưu ý đến giáo dục toàn diện về đạo đức, lối sống, trí tuệ và thể chất cho học sinh, Bộ trưởng cho rằng, tiểu học là bậc nền tảng, việc giáo dục ở bậc học này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình thành và phát triển nhân cách, trí tuệ tương lai của học trò. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị mỗi giáo viên tiểu học phải là tấm gương về đạo đức, trí tuệ để học sinh noi theo.
Về kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học, Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ GDĐT sẽ ban hành Thông tư mới để phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của CT GDPT 2018. Vì vậy, các Sở/phòng GDĐT, các nhà trường tiểu học cần quan tâm đổi mới việc đánh giá, khen thưởng, trong đó tập trung chỉ đạo và thực hiện bằng được việc khen thưởng học sinh đảm bảo đúng, trúng, thiết thực, tránh tình trạng khen tràn lan, khen chưa thực chất dẫn đến hiệu ứng ngược.
“Khen thưởng phải tạo được động lực cho học sinh và giáo viên, tạo niềm tin cho phụ huynh, xã hội. Khi làm tốt việc khen thưởng tạo động lực lớn cho giáo viên, học sinh thì hiệu quả và chất lượng giáo dục cũng từ đó được nâng lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước thực tế khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp ở một số địa phương do số lượng học sinh đông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: "Tinh thần là dù thế nào cũng phải đảm bảo chỗ học cho học sinh tiểu học, học sinh lớp 1. Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên; không vì thiếu trường lớp mà không tiếp nhận trẻ đúng độ tuổi vào lớp 1".
Bộ trưởng đồng thời đề xuất địa phương xây dựng đề án dài hơi, ít nhất 5 năm, phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục. Từ đó, đầu tư xây dựng trường lớp, dồn ghép, sáp nhập đảm bảo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế dạy học.


Tải  về tại đây: Tài liệu bồi dưỡng


Đăng bởi Admin vào lúc tháng 9 21, 2020. Trong chuyên mục , , , .

0 nhận xét cho bài viết TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG MỚI NHẤT

Để lại một nhận xét!!!

TÌM KIẾM TRÊN WEBSITE NÀY

MỚI CẬP NHẬT